Những đứa trẻ trong sương là phim dài đầu tay của Hà Lệ Diễm. Cái tên này đã và đang xuất hiện trên khắp các liên hoan phim thế giới từ cuối năm 2021 và giành được nhiều giải thưởng xuất sắc. Bộ phim tài liệu dõi theo chân Di, một bé gái niên thiếu người H'mông. Giữa những tình bạn thong dong đồng trang lứa và tình cảnh gia đình lắm lúc lao đao, Diễm ghi lại tâm thế nhân vật trước chuyện bất trắc: kéo vợ (trong tiếng H'mông, coj nyab tức đón dâu về, hay zij poj niam tức kéo người đàn bà). Trong bài phỏng vấn này, ta tìm hiểu về thực hành làm phim tài liệu của Diễm và những vấn đề gai góc khi tiếp cận, miêu tả, và thấu hiểu một nền văn hoá.
Điều gì đã dẫn dắt chị đến với câu chuyện của Di?
Chị đọc báo thấy những câu chuyện buôn bán phụ nữ sang biên giới rất nhiều. Ban đầu chị tự lên Sapa một tuần hơn nhưng không nói chuyện được nhiều với mọi người. Mọi người biết tiếng Việt nhưng ít chia sẻ với mình lắm. Chị nghĩ rất khó tiếp cận bởi vì một phần nào đấy người H’Mông vẫn khá e dè với người từ thành phố lên.
Mấy tháng sau chị tham gia chương trình 'Cụng, Đụng, Chạm' của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thì gặp Di. Chị lên ở nhà Di vì bố Di tham gia chương trình đấy. Xong hết chương trình, chị ở thêm với mọi người vài tháng. Mới đầu chị định quay những cái gì vui vui trẻ con thôi. Nhưng dần dần mình biết về kéo vợ, được nghe mấy bạn chị họ của Di kể nhiều chuyện hơn. Các bạn rất sợ bị kéo. Có bạn gặp trường hợp đêm hôm người ta đến nhà đợi cửa kéo, bạn ấy rất sợ và trốn đi trong đêm luôn. Hai ba ngày sau bạn từ ông bà về, cái nhà đấy vẫn ở nhà đợi bạn, đến ăn ở luôn trong nhà. Thế là bạn vẫn bị bắt đi.
Chị cũng biết thêm những chuyện các bạn bị bắt cóc xong lừa bán sang biên giới. Chỗ Di sang biên giới rất là gần, đi mất chỉ hai tiếng là đến cửa khẩu Mường Khương. Cả mấy chuyện trong lớp các bạn này nữa. Giai đoạn 2018-2019, có một bạn ở trường Di bị giết rất dã man trên đường đi học. Đường đi học của các bạn rất xa, có khi lên tới hơn 10 cây số, nên các bạn hay đi đường tắt, nhỏ, vắng và nguy hiểm hơn, dù mọi người vẫn dặn phải đi đường lớn.
Mới đầu quay chị không rõ trước phim sẽ như thế nào, không có kịch bản trước, chưa nghĩ tới cấu trúc phim, cứ theo chân nhân vật một thời gian. Đến giai đoạn hậu kỳ mới bắt đầu mới nghĩ xem làm gì với đống nháp phim đấy thôi.
Trong quá trình làm phim, chị có hướng tới tầng lớp khán giả cụ thể nào không?
Lúc mới làm thì chị rất là thích làm phim về trẻ con với cả cho trẻ con. Chị thấy có nhiều phim truyện và phim hoạt hình cho trẻ con, nhưng phim tài liệu thì ít. Khi lên Sapa, chị chiếu phim tài liệu về trẻ con ở các vùng khác đi học như thế nào cho các bạn trên đấy xem. Phim một tiếng rưỡi, chỉ có phụ đề tiếng Anh, chị ngồi dịch lại tiếng Việt. Lúc ấy bọn trẻ con nói tiếng Việt còn chưa sõi cơ. Nhưng chúng nó rất thích, ngồi xem hết cả bộ phim mà không buồn ngủ. Phim mở ra một không gian, một thế giới khác khá là lạ cho bọn trẻ con.
Chị nói ra chuyện này thì rất buồn cười tại vì chị sản xuất với cả anh dựng phim bảo, “Phim này của em quá là kinh dị chứ chả phải là phim cho trẻ con”. Hai anh chị ấy cho con gái xem, con bé cũng tầm 13-14 tuổi thôi. Nó xem xong hết từ đầu tới cuối, chị Thảo liền gọi điện cho chị bảo, “Em ơi hôm nay chị vừa cho con Chíp nó xem bản dựng cuối cùng đấy, nó xem xong nó không buồn ngủ, may quá”. Hôm công chiếu ở CH Czech, cũng có mấy anh chị Việt Kiều mang con đến. Thằng bé mới có mười mấy tuổi thôi, mà nó xem cũng không buồn ngủ. Chị mới nghĩ, ôi may quá bọn trẻ con xem không buồn ngủ là may rồi.
Làm phim tài liệu thì thường nhân vật phải có thời gian dành cho mình. Đợt trước chị lên Sapa chị muốn làm phim về các chị phụ nữ nhưng các chị bận quá, không có thời gian cho mình. Chị nhận ra bọn trẻ con có nhu cầu chia sẻ thế giới của nó với mình và cũng dành thời gian cho mình nữa. Thế là chị rất thích làm việc với trẻ con.
Chị có nói trong quá trình sản xuất chị không biết hình thù bộ phim sẽ ra sao. Trong một tâm thế bất định như vậy, động lực gì giúp chị theo đuổi dự án xuyên suốt ba năm liền?
Trong một năm đầu thì cảm thấy rất vui. Một năm chị lên Sapa phải năm, sáu lần, ở lâu nhất là một tháng. Trên đấy thời tiết lạnh rất là thích. Quay thì ít—mỗi đợt lên chắc chị chỉ quay tầm ba bốn ngày thôi—đi chơi với mọi người, với Di rất là nhiều.
Bố mẹ Di mang chị đi khắp nơi chơi và có một đợt đi đám ma. Đám ma người Mông rất là vui. Ai khóc thì vẫn cứ khóc, ai uống rượu thì cứ ra ngoài uống rượu cười nói thoải mái. Lúc đấy chị đi lên chị không mang theo máy quay đi, mọi người còn bảo, “À, đến đám ma à, vui thế, nhưng mà không mang theo máy quay à?”. Chị rất thích đi chơi với mọi người như thế và cũng đi làm theo mọi người luôn. Lúc nào mình muốn quay thì mình cầm máy lên quay, còn khi nào không quay nữa thì mình vứt máy quay ở trên bờ, sau đấy đi xuống cấy lúa cùng nhà Di.
Mẹ Di còn rất thích lấy quần áo mặc cho chị. Quần áo rất bó, vì người mẹ Di nhỏ mà chị mập. Mẹ Di cố nhét cho chị, làm chị nhìn giống như một cây giò ấy. Mẹ Di bắt chị mang bộ đồ đấy ra ruộng cấy lúa. Cấy được mấy ngày thì chị không thở được nữa, nó chặt quá. Thế là chị cởi áo ra, mặc mỗi cái quần của người Mông thôi, bên trên vẫn mặc đồ bình thường của mình.
Còn bố Di thì rất thích kể về truyền thống văn hóa. Bố Di giải thích, cái làng này, mấy trăm năm trước có hai vợ chồng người H’Mông từ Trung Quốc đến. Làng gốc là ở dưới một gốc cây đa rất to ở bên kia thung lũng, bố Di chở chị đi một vòng. Mấy đợt bố Di đi làm những chương trình về buôn bán, bắt cóc phụ nữ bên viện iSEE, bố Di cũng cho chị đi theo.
Quay đến năm 2018 trở đi, khi nhìn thấy Di lớn dần lên, chị sợ cho Di nhiều hơn, tại vì con bé rất bốc đồng, thích nói chuyện với các bạn khác giới. Đợt đấy gia đình Di xảy ra nhiều chuyện, bố mẹ hay mắng nhau. Ở nhà đã không được bố mẹ lắng nghe nên con bé dễ thấy tủi thân, trở ra thích mấy bạn trai vì mấy bạn đấy quan tâm, chở đi chơi, mua đồ ăn ngon cho, sẽ cảm thấy vui hơn. Chị đã rất sợ Di bị bắt cóc hoặc bị kéo, tại vì con bé rất dễ tin người khác và tính thương người của nó rất lớn. Tết 2019 Di bị kéo.
Phim không che giấu hay gói ghém những sự việc đời tư không mấy hoa mỹ, như mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Liệu việc tả thực, dù không nhất thiết bao hàm hoàn toàn sự thật ngoài đời, đáng cái giá phải trả cho việc phơi bày những góc cạnh không mấy đẹp đẽ của những “chuyện trong nhà"?
Chị nghĩ nó rất là con người. Mắng nhau thì mẹ ở đâu cũng mắng con như vậy hết, kiểu mắng nhau rất là Châu Á. Lúc phim chiếu ở Đài Loan, có bạn khán giả nói, khi nhìn thấy mẹ Di mắng Di, bạn rất nhớ mẹ bạn vì mẹ bạn cũng mắng bạn y hệt như thế. Nó cũng giống y hệt như ngày xưa mẹ chị mắng chị. Lúc phim chiếu ở Hà Lan, cũng có một chị bảo chị ấy với em gái cũng vậy. Tức mặc dù đây là chi tiết rất riêng tư của một gia đình dân tộc thiểu số nhưng nó xuất hiện ở khắp nơi.
Khi chị quay thì mọi người hoàn toàn ý thức được việc có cái máy quay ở đấy. Có một sự ngầm hiểu, khi nào mọi người muốn cho mình quay thì mọi người sẽ để cho mình quay. Còn những lúc mọi người không muốn mình quay nữa thì mình tắt máy, mình dừng thôi. Giống như lúc Di nói chuyện với Vàng, có một lúc Di lấy tay chụp lại cái máy ảnh, chị liền hiểu Di không muốn chị quay.
Bắt đầu mỗi buổi quay, chị sẽ hỏi Di và bố mẹ Di quay như thế này có được không, đứng ở đâu, đứng như thế nào để quay được cái đấy. Mọi người sẽ chỉ cho chị mọi người sẽ làm như thế này, đi ra ruộng lúa mọi người sẽ cấy ở đây. Như vậy, cách làm việc của chị với mọi người đã ngầm hiểu với nhau rằng chị sẽ quay cái gì rồi.
Báo chí thế giới đưa tin về phim có ngỏ lời rằng hủ tục kéo vợ mâu thuẫn với chính kiến hiện đại của Di. Chị có đồng ý với quan điểm này không?
Chị đi theo Di không định kể về văn hóa, về kéo vợ. Chị nghĩ văn hoá là da thịt bên ngoài để làm nên bộ phim. Chuyện kéo vợ là văn hóa của người H’Mông; cách họ mặc, làm quần áo cũng thế. Khi mình quay tất nhiên những thứ đấy sẽ vào phim rồi. Chúng là không gian xung quanh để nhân vật hít thở và tư duy. Thế nên văn hoá rộng hơn nhiều chuyện kéo vợ.
Mới đầu bố mẹ Di kể về kéo vợ thì chị thấy rất là vui. Bố Di giải thích đó là một phong tục vui thôi, ngày xưa giữa hai người yêu nhau mà bị bố mẹ ngăn cấm không cho lấy nhau thì hai người kéo nhau về nhà, thành chuyện đã rồi để bố mẹ chấp nhận. Nhưng khi mình nghe mấy bạn chị họ của Di kể thì bắt đầu cảm thấy nó không đúng. Mấy bạn gái sợ mấy chuyện đó lắm, sợ hết hồn hết vía luôn.
Lúc quay thì chị chỉ muốn quay một phim về tuổi thơ. Nhìn bọn trẻ con chơi, chị tự hỏi sao bây giờ mình không có óc tưởng tượng tự do như bọn nhỏ nữa. Ngày xưa mình nhìn thế giới rất khác: mình nhìn một cái cây mình có thể tưởng tượng ra ngôi nhà của mấy chú lùn. Chị mới nghĩ, không biết cái tuổi thơ đấy rời bỏ mình từ lúc nào, không biết qua biến cố nào thì con người buộc phải trưởng thành. Lúc làm phim chị đi theo cái câu hỏi đấy thôi. Kể cả lúc dựng phim cũng vậy.
Có thể thấy đa phần chị không xen vào diễn biến câu chuyện và để sự việc diễn ra tự nhiên. Nhưng có những lúc chị can thiệp vào, như lúc Di hỏi chị có giận con bé không thì chị bảo có. Liệu những khoảnh khắc này có nằm ngoài lý tưởng của chị?
Chị cầm máy quay theo kiểu quan sát nhiều hơn, nhưng rõ ràng nhân vật luôn luôn ý thức có một cái máy quay và có một người đứng sau cái máy quay đấy. Mọi người vẫn coi mình là một con người và nói chuyện với mình. Những cái đấy là điều không thể tránh khỏi.
Lúc Di còn ở nhà Vàng chưa về lại nhà được, bố mẹ Di có dặn chị là họ coi chị như chị gái của Di, là con của họ. Họ bảo chị phải giúp Di đấy nhé thì chị bảo vâng chị sẽ giúp, theo kiểu cầm Di kéo lại ấy. Cái việc được giúp Di là với tư cách một người bố mẹ Di coi là chị gái của Di thì mới được giúp, còn người quay phim thì không được giúp. Lúc đấy chị nghĩ, mình cầm máy quay nhưng mình cũng là con người, cũng có quyền được nói ra cảm xúc và ý kiến của mình. Nhiều lúc chị cảm thấy chả quan tâm, kệ cứ bày tỏ ý kiến, cảm xúc của mình.
Phim kết thúc còn bỏ ngỏ, không biết số phận của Di đi về đâu. Việc chị quyết định đóng máy là hoàn toàn chủ quan hay một phần do những yếu tố khách quan nào khác?
Lúc chị đóng máy không quay nữa là hơn một năm trời liền sau vụ Di bị kéo và bỏ đi không lấy Vàng. Sau đó Di được nhận vào một trường nội trú ở Sapa. Chị vẫn đi theo Di lên trường nội trú mới, quay trong vòng một năm trời liền. Có nhiều thứ hay ho lắm nhưng không vào phim.
Xuất phát điểm của chị là muốn biết tuổi thơ kết thúc như thế nào. Trong phim thì tuổi thơ của Di đã kết thúc rồi. Những cái tiếp theo sẽ là cuộc đời thật của Di thôi. Chị không nghĩ phim dừng lại với một cái kết mở; đối với chị thì nó đã là một cái kết rồi đấy. Về làm phim thì nhà làm phim đã tìm được câu trả lời cho mình rồi. Còn về nhân vật thì mình chỉ nên là một phần trong cuộc đời của họ thôi.